Hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo của các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Khoa học và Công nghệ

Trong giai đoạn 2023-2024, hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) của các đơn vị có chức năng ứng dụng, chuyển giao công nghệ và ĐMST (Trung tâm) thuộc các Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã đạt được nhiều kết quả, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các Trung tâm cũng còn những tồn tại, khó khăn, cần có giải pháp đồng bộ để thúc đẩy hơn nữa hoạt động của các Trung tâm trong thời gian tới.

Kết quả hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo của các Trung tâm

Tính đến tháng 7/2024, tổng số nhân lực của các Trung tâm là 1.553 người; bình quân 24,7 người/Trung tâm; trong đó tổng số viên chức là 1.142 người và hợp đồng là 410 người; về trình độ có 11 tiến sỹ, 341 thạc sỹ, 920 đại học… Trong đó, số cán bộ thực tế được giao triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ là 545 người, chiếm khoảng 26% tổng số cán bộ, viên chức đang làm việc tại các Trung tâm trên cả nước (bình quân gần 9 người/Trung tâm). Đây chính là lực lượng nòng cốt để tổ chức triển khai thực hiện hoạt động ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN tại địa phương trong những năm qua.

Về nguồn tài chính của Trung tâm

Trong năm 2024, nguồn thu tài chính của các Trung tâm đạt khoảng 203 tỷ đồng (tổng hợp từ số liệu của 50/63 báo cáo của các Sở KH&CN có thông tin), trong đó: i) Nguồn thu từ ngân sách nhà nước là 124 tỷ đồng, chủ yếu bao gồm: kinh phí từ thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công, kinh phí đề tài và dự án, kinh phí các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng và vốn đầu tư phát triển của dự án đầu tư xây dựng cơ bản; ii) Nguồn thu hoạt động sự nghiệp là 73 tỷ đồng; iii) Nguồn thu khác là 6 tỷ đồng. Tổng chi của các Trung tâm khoảng 150 tỷ đồng, gồm các nội dung: chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương; chi thuê chuyên gia, nhà khoa học; chi khác.

Trong giai đoạn 2023-2024, các Trung tâm đã thực hiện tổng số 248 nhiệm vụ KH&CN, trong đó có 124 nhiệm vụ cấp cơ sở (50%), 109 là nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, thành phố (44%), 15 nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, cấp quốc gia (6%). Tổng số kinh phí được phê duyệt từ 248 nhiệm vụ KH&CN là 180 tỷ đồng, trong đó kinh phí nhiệm vụ cấp cơ sở là 29 tỷ đồng (16%), kinh phí nhiệm vụ cấp tỉnh, thành phố là 74 tỷ đồng (41%), kinh phí nhiệm vụ cấp bộ, quốc gia là 77 tỷ đồng (43%).

Về xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ của Trung tâm

Tổng hợp từ 30/63 báo cáo của các Sở KH&CN có thông tin cho thấy, giai đoạn 2023-2024, các Trung tâm đã triển khai được 82 mô hình ứng dụng KH&CN, tập trung ở một số lĩnh vực như: công nghệ sinh học; xử lý môi trường; nông nghiệp; công nghiệp phụ trợ. Tổng kinh phí xây dựng 82 mô hình ứng dụng KH&CN là 13 tỷ đồng. Tính trung bình khoảng 150 triệu đồng/mô hình

Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ khí canh tại Tiền Giang.

Về thực hiện dịch vụ của Trung tâm

Kết quả thực hiện dịch vụ tư vấn chuyển giao công nghệ: Trong giai đoạn 2023-2024 số lượng hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ được các Trung tâm thực hiện là 252, trong đó hợp đồng tư vấn là 225 và chuyển giao công nghệ là 27 (tổng hợp từ 13/63 báo cáo của các Sở KH&CN có thông tin). Tổng giá trị hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ là gần 10 tỷ đồng. Các hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ diễn ra ở các lĩnh vực chủ yếu: nông nghiệp, công nghệ thông tin, xử lý môi trường, an toàn bức xạ, năng lượng, kiểm nghiệm.

Kết quả thực hiện dịch vụ sự nghiệp công: Trong giai đoạn 2023-2024, các Trung tâm đã và đang thực hiện 165 nhiệm vụ dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực KH&CN tại địa phương với tổng kinh phí là khoảng 70 tỷ đồng (tổng hợp từ 27/63 báo cáo của các Sở KH&CN có thông tin). Tính trung bình khoảng 420 triệu đồng/nhiệm vụ dịch vụ sự nghiệp công.

Tình hình sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ: Tổng hợp báo cáo từ 31 Trung tâm có thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ các nhiệm vụ KH&CN cho thấy, giai đoạn 2023-2024 doanh thu của các Trung tâm đạt 75 tỷ đồng từ 383 sản phẩm, tiêu biểu như: sản phẩm bằng vật liệu nhựa composite; chế phẩm sinh học; sản phẩm từ nuôi trồng và chế biến nấm; giống cây trồng… Tính trung bình doanh thu cho mỗi sản phẩm là khoảng gần 200 triệu đồng.

Chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại.

Một số tồn tại, khó khăn trong hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo

Trên cơ sở nội dung báo cáo của các Sở KH&CN, có thể thấy một số tồn tại và khó khăn trong hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và ĐMST tại các địa phương như sau:

Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính và quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

Việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước được quy định tại Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ KH&CN. Tuy nhiên, các quy định này coi sản phẩm KH&CN giống như các sản phẩm thông thường dẫn tới các quy định về quản lý (nhất là trong khâu xác định loại tài sản cần xử lý đối với các nhiệm vụ KH&CN), xử lý tài sản (đặc biệt ở khâu xác định giá trị tài sản) không có tính khả thi. Do vậy dẫn đến việc vướng mắc trong khâu xử lý tài sản khiến nhiều sản phẩm KH&CN có chất lượng và giá trị kinh tế, thương mại, giá trị ứng dụng chưa được đưa vào thực tiễn.

Việc định giá tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN theo quy định tại Thông tư số 10/2019/TT-BTC ngày 20/02/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong quá trình thực hiện các địa phương còn gặp phải nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc xây dựng và ban hành đầy đủ các định mức kinh tế – kỹ thuật thực hiện dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và giá, đơn giá tại địa phương quá phức tạp, ảnh hưởng đến việc giao nhiệm vụ, đặt hàng cho các Trung tâm để cung cấp, thực hiện dịch vụ sự nghiệp công.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị và chất lượng nguồn nhân lực

Trang thiết bị, máy móc lạc hậu, không đồng bộ; thiếu các máy móc, thiết bị cần thiết để thực hiện các nghiên cứu, phân tích, đánh giá chuyên sâu phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, tiếp nhận chuyển giao làm chủ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; công tác đào tạo, tiếp nhận vận hành các trang thiết bị chưa được quan tâm và đầu tư dẫn đến một số trang thiết bị chưa được khai thác hiệu quả.

Nguồn nhân sự thường xuyên biến động, thiếu sự kế thừa. Đặc biệt, các Trung tâm khó thu hút, giữ được nhân sự có chuyên môn, kinh nghiệm gắn bó công tác lâu dài tại đơn vị; nhân sự sau khi sáp nhập, một số được điều chuyển kiêm nhiệm công việc khác dẫn đến chưa đáp ứng được yêu cầu, cần có thời gian được đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn liên quan đến hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và phát triển công nghệ. Bên cạnh đó, việc thu hút và tuyển dụng các nhận sự có chuyên môn sâu cũng gặp nhiều khó khăn, do thiếu chế độ đãi ngộ, nguồn chi trả tiền lương eo hẹp.

Về nguồn lực tài chính và thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Hiệu quả hoạt động sản xuất, dịch vụ chưa cao; nguồn thu của Trung tâm chưa ổn định, nguồn thu chủ yếu từ thực hiện nhiệm vụ KH&CN và dịch vụ sự nghiệp công hằng năm do Sở KH&CN giao, dẫn đến nguồn lực về tài chính gặp nhiều khó khăn, có những thời điểm không đủ kinh phí để duy trì các hoạt động thường xuyên. Việc phân bổ kinh phí cho hoạt động phát triển KH&CN vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các Trung tâm, dẫn đến việc thiếu kinh phí trong việc triển khai thực hiện các dự án nhân rộng kết quả đề tài.

Cơ chế khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN được hướng dẫn tại Thông tư số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 của Bộ trưởng Bộ KH&CN và Bộ Tài chính chưa được thực hiện đồng bộ và triệt để. Khi thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, nhà khoa học phải hoàn thiện các chứng từ thực thanh, thực chi, phải thực hiện các thủ tục liên quan đấu thầu mua sắm và chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc sử dụng ngân sách, trong khi hiệu quả của hoạt động nghiên cứu có độ trễ, chưa được chứng minh.

Về hoạt động tìm kiếm, chuyển giao công nghệ để phát triển các sản phẩm chủ lực tại địa phương

Các Trung tâm còn thiếu thông tin về nguồn cung công nghệ, chuyên gia công nghệ, nhất là thông tin về công nghệ tiên tiến, công nghệ cao và các chuyên gia có chuyên môn sâu về công nghệ. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm, tiếp cận các công nghệ mới phục vụ nhu cầu ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại địa phương để phục vụ hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ tại địa phương cũng gặp khó khăn.

Một số giải pháp thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo

Đối với Bộ Khoa học và Công nghệ

Nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 2099/QĐ-TTg ngày 27/12/2017 về các dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KH&CN và các Thông tư định mức kinh tế – kỹ thuật để UBND các tỉnh, thành phố căn cứ xây dựng ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật và đơn giá dịch vụ công phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương. Xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 01/2021/TT-BKHCN hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về KH&CN thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 17/2019/TT-BKHCN ngày 10/12/2019 về ngành sản xuất, chỉ tiêu, biểu mẫu cho phù hợp hơn với điều kiện thực tế tại địa phương. Đề xuất sửa đổi, hoàn thiện văn bản hướng dẫn về quản lý nhà nước và hoạt động liên quan đến ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo làm căn cứ để áp dụng tại các địa phương; hoàn thiện văn bản triển khai hoạt động thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ và ĐMST (Quyết định số 118/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 1851/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…).

Triển khai các biện pháp đồng bộ để hỗ trợ các đơn vị có chức năng ứng dụng và chuyển giao công nghệ thuộc Sở KH&CN trở thành đầu mối hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và ĐMST của địa phương.

Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, cho cán bộ, viên chức các đơn vị có ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ và ĐMST tại địa phương.

Sở Khoa học và Công nghệ và Trung tâm

Triển khai đầy đủ và đồng bộ các văn bản của ngành trong quản lý và triển khai hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ và ĐMST; xây dựng và tham mưu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật và đơn giá để thực hiện dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước của địa phương trong hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ và ĐMST.

Tổ chức đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất, xác định nhu cầu công nghệ trên một số lĩnh vực trọng điểm của các địa phương, từ đó có giải pháp hỗ trợ hoàn thiện công nghệ, phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương – vùng phục vụ phát triển kinh tế địa phương và vùng

Phối hợp với các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp điều tra, khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ, chuyên gia công nghệ, đảm bảo kết nối với cơ sở dữ liệu chung của ngành; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ KH&CN, các hoạt động kết nối công nghệ nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ để phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, vùng.

Lựa chọn, triển khai, nhân rộng các sản phẩm, mô hình ứng dụng, chuyển giao công nghệ hiệu quả để xây dựng thương hiệu, phát triển các sản phẩm có thế mạnh của địa phương. Đồng thời, tích cực tham gia học tập, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ về ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ và ĐMST nhằm đáp ứng yêu cầu trong xu thế mới.

Nguồn: Phòng PTCN, SATI