Mạng lưới tổ chức chuyên gia

Tăng cường hợp tác với Tổ chức “Ngôi nhà Nga về hợp tác khoa học-kỹ thuật quốc tế” (Liên bang Nga)

Ngày đăng: 24/10/2023

Thông tin về đối tác: Được thành lập theo chỉ thị của Chính phủ Liên bang Nga năm 1991, “Ngôi nhà Nga về hợp tác khoa học-kỹ thuật quốc tế” (tạm viết tắt RDISTC) là tổ chức phi chính phủ, chịu trách nhiệm phối hợp và triển khai hợp tác với các cơ quan, tổ chức khoa học, kỹ thuật và đổi mới sáng tạo ở nước ngoài. Nhiệm vụ chính của RDISTS là xây dựng cơ chế hợp tác lâu dài với nước ngoài trong việc thúc đẩy giới thiệu, quảng bá, chuyển giao công nghệ của Nga, hỗ trợ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Nga ở nước ngoài, thu hút đầu tư vào các dự án khoa học công nghệ, cũng như triển khai các chương trình hợp tác quốc tế, đào tạo trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

RDISTC đại diện của Liên bang Nga tại một số tổ chức quốc tế như Trung tâm Chuyển giao Công nghệ Châu Á-Thái Bình Dương (từ năm 1996), Liên đoàn các Hiệp hội Nhà phát minh Quốc tế (IFIA) (từ năm 1998)…Với hơn 30 năm hoạt động, RDISTS đã tổ chức, hỗ trợ hơn 150 diễn đàn khoa học và kỹ thuật quốc tế, nhiều dự án đầu tư đã được triển khai trong nhiều lĩnh vực hợp tác khoa học và kỹ thuật quốc tế và chuyển giao công nghệ. Một số dự án quốc tế lớn như: Nền tảng hợp tác đa ngành: Nga-Trung Quốc, Nga-Ấn Độ; Diễn đàn quốc tế về khoa học và giáo dục trong lĩnh vực sử dụng đất ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và Đông Nam Á.

RDISTS là đơn vị chính tổ chức thành công sự kiện “Tuần lễ Việt Nam”  tại Moscow với chủ đề “Việt Nam - cửa ngõ vào châu Á” từ ngày 17 đến ngày 23 tháng 4 năm 2023 do Bộ Khoa học và Đại học Nga chủ trì với sự phối hợp của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga. Sự kiện góp phần giúp các cơ quan, đơn vị phía Nga và Việt Nam hiểu rõ hơn về tiềm năng, cơ hội hợp tác cũng nghiên cứu, thảo luận các giải pháp thực chất nhằm tăng cường hợp tác khoa học-kỹ thuật, giáo dục và văn hóa giữa hai nước.


Ảnh: Sự kiện khai mạc “Tuần Việt Nam” với chủ đề “Việt Nam - cửa ngõ vào châu Á” Nguồn: Báo Nhân dân

Về tiềm năng hợp tác

Tại Nga, Bộ phận đại diện Khoa học và Công nghệ có quan hệ hợp tác chặt chẽ, thường xuyên trao đổi với RDISTS về triển vọng, sáng kiến thúc đẩy hợp tác giữa Nga và Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phía RDISTS cho biết, sẵn sàng hỗ trợ các tổ chức khoa học kỹ thuật, giáo dục và đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong nhiều hoạt động như: (1) Tổ chức các dự án nghiên cứu chung và chương trình trao đổi giữa các nhà khoa học, chuyên gia Nga và Việt Nam. Tiến hành các chương trình thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển hợp tác khoa học, kỹ thuật và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Nga; (2) Hỗ trợ các doanh nghiệp KH&CN, cơ quan đại diện doanh nghiệp KH&CN Việt Nam tổ chức các hoạt động kinh tế, kinh doanh trên lãnh thổ Liên bang Nga; (3) Thành lập các trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo ở Liên bang Nga nhằm thu hút đầu tư, nghiên cứu sản xuất phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ảnh: Bộ phận Đại diện Khoa học công nghệ Việt Nam tại liên bang Nga có quan hệ hợp tác chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với với RD ISTS.

Thông qua RDISTS, nhiều tổ chức khoa học và công nghiệp khác nhau của Nga, thể hiện sự quan tâm thúc đẩy hợp tác với các đối tác Việt Nam trong các hoạt động nghiên cứu khoa học (bao gồm cả nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ các chương trình Liên bang), R&D, cũng như thành lập các doanh nghiệp công nghệ chung tại Liên bang Nga và Việt Nam.

Một số lĩnh vực mà phía Nga mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam như: (1) Nghiên cứu biển (nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên biển và đa dạng sinh học biển); (2) Công nghệ năng lượng, bao gồm: (i) Công nghệ tiên tiến để sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sóng biển, năng lượng sinh học, năng lượng hydro, sản xuất hydro xanh và amoniac); (ii) Công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất năng lượng; (3) Công nghệ vật liệu mới (công nghệ sản xuất vật liệu “thông minh”, vật liệu tự phục hồi; vật liệu quang điện tử và quang tử; vật liệu từ tính); (4) Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, canh tác chính xác (sử dụng công nghệ sinh học, công nghệ trí tuệ nhân tạo, Internet of Things (IoT), công nghệ di truyền); (5) Công nghệ vũ trụ: ứng dụng công nghệ vũ trụ để dự báo biến đổi khí hậu, dự báo thời tiết và cảnh báo thiên tai, công nghệ vệ tinh và an ninh thông tin; (6) Hệ thống máy bay không người lái và tạo ra các nền tảng sử dụng phục vụ nông nghiệp.

Đồng thời, RDISTS cũng bày tỏ mong muốn hai Bên cùng nghiên cứu hình thành một nền tảng hợp tác chung, bao gồm hợp tác giữa các viện, trung tâm nghiên cứu, đại học của hai nước trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật.

Nguồn: Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ

Bài viết liên quan