Hiện trạng và xu hướng về nhu cầu khoáng sản thiết yếu toàn cầu
Quá trình chuyển đổi năng lượng cùng với các mục tiêu về cân bằng phát thải đang thúc đẩy các ngành công nghiệp mới nổi như xe điện, điện tái tạo, công nghệ lượng tử, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… phát triển nhanh chóng, từ đó kéo theo nhu cầu tăng đột biến đối với các loại khoáng sản/kim loại thiết yếu (Critical minerals).
Theo số liệu của Cục khảo sát địa chất Mỹ (USGS), nhu cầu đối với các kim loại thiết yếu đã đồng loạt tăng mạnh, trong đó: Nhu cầu Coban đã đạt mức cao kỷ lục 170 nghìn tấn/năm (năm 2021), tăng 22% so với năm 2020; Nhu cầu Niken tăng 2,86 triệu tấn trong năm 2022 so với năm 2020 đạt khoảng 2,51 triệu tấn; Nhu cầu Lithium trong giai đoạn 2015-2016 chỉ vào khoảng 35.000 tấn/năm, đã tăng đột biến lên mức 490.000 tấn năm 2021 (tăng khoảng 1300%); Nhu cầu Oxit đất hiếm trong năm 2019 ở mức 208,2 nghìn tấn, đã tăng lên mức 250 nghìn tấn năm 2021.
Đặc biệt, theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), để đáp ứng mục tiêu về cân bằng phát thải, công suất năng lượng tái tạo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 và tăng khoảng 291% vào năm 2050. Trên cơ sở đó, xu hướng nhu cầu về Lithium sẽ tăng gấp 40 lần vào năm 2040 (mức tăng trưởng dự kiến nhanh nhất trong số các khoáng sản quan trọng), tiếp đến là than chì, Coban và Niken lần lượt với tốc độ tăng gấp 20 đến 25 lần so với nhu cầu hiện tại.
Theo Benchmark-Mineral-Intelligence (BMI), xu hướng chuyển đổi năng lượng toàn cầu nói chung và ngành xe điện nói riêng đã và đang thúc đẩy cuộc tranh giành các kim loại chuyên dụng, khiến giá của nhiều mặt hàng kim loại thiết yếu như Niken, Coban, Lithium, đồng… được đẩy lên mức cao nhất trong nhiều năm. Cụ thể, (i) Giá Niken Quý I/2022 đạt 24.435 USD/tấn, cao gấp đôi so với mức khoảng 12,100 USD/tấn (Quý I/2020), đặc biệt có thời điểm trong tháng 3/2022, giá tăng đột biến lên mức trên 46.000 USD/tấn; (ii) Giá Coban Quý 2/2022 ở mức 70.709 USD/tấn, tăng 135% so với mức 30.000 USD/tấn (Quý III/2020); (iii) Giá đồng từ mức 6.174 USD/tấn năm 2020, đã tăng 64%, lên mức 10.105 USD/tấn (năm 2022); (iv) Giá Lithium-cacbornat đã tăng đột biến đáng chú ý, khoảng 10 lần trong vòng 2 năm, từ mức khoảng 7.000 USD/tấn trong tháng 03/2021, lên mức 72.000 USD/tấn trong tháng 3/2022.
Về đầu tư trong lĩnh vực kim loại thiết yếu, các nghiên cứu và dự báo thị trường cũng chỉ ra rằng, quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ rất tốn kém, ngành công nghiệp khai thác mỏ và kim loại sẽ cần đầu tư khoảng 1,7 nghìn tỷ USD trong 15 năm tới để có thể đảm bảo nguồn cung các kim loại quan trọng.
Như vậy, có thể thấy, thị trường kim loại thiết yếu toàn cầu sẽ có những thay đổi căn bản, điển hình nhất là việc các quốc gia, tập đoàn công nghiệp lớn chạy đua trong đầu tư, khai thác, nắm giữ lợi thế sở hữu, phân phối các loại kim loại thiết yếu trong tương lai. Đồng thời, vai trò định hướng nền công nghiệp tiên tiến của thế giới, cũng như chi phối các vấn đề chính trị, kinh tế thế giới trong tương lai sẽ được định đoạt bởi người nắm giữ lợi thế sở hữu nguồn nguyên liệu kim loại thiết yếu.
Các chủ trương, chính sách thăm dò, khai thác, quản lý khoáng sản quan trọng của Canada:
Chính phủ Canada xác định, khoáng sản thiết yếu chính là cơ hội mang tính thế hệ cho người lao động, nền kinh tế và mục tiêu cân bằng phát thải tương lai của Canada. Sẽ không có quá trình chuyển đổi năng lượng, kinh tế xanh nếu không có khoáng sản thiết yếu. Bằng cách phát triển chuỗi giá trị khoáng sản thiết yếu – từ khai thác, sản xuất, đến tái chế – sẽ giúp Canada tạo ra việc làm tốt, xây dựng nền kinh tế vững mạnh, cạnh tranh toàn cầu và hành động vì mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Để nắm bắt hoàn toàn cơ hội này, giá trị gia tăng cho toàn bộ chuỗi cung ứng, bao gồm thăm dò, khai thác, xử lý trung gian, sản xuất tiên tiến và tái chế cũng cần phải đảm bảo. Trên cơ sở đó, Canada đã đề ra một số biện pháp thúc đẩy phát triển ngành kim loại quan trọng như sau:
1) Nhóm chính sách xác định, phân loại khoáng sản quan trọng tại Canada:
Canada là quốc gia được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên phong phú, rộng khắp các vùng/khu vực. Hiện tại, Canada đang khai thác, cung ứng hơn 60 loại khoáng sản khác nhau. Tuy nhiên, với sự tham vấn chuyên gia cấp tỉnh, vùng lãnh thổ và ngành, Canada xác định danh sách các loại khoáng sản “quan trọng/thiết yếu” theo 03 tiêu chí: (i) Cần thiết cho an ninh kinh tế của Canada và nguồn cung đang bị đe dọa; hoặc (ii) Cần thiết cho quá trình chuyển đổi quốc gia sang nền kinh tế carbon thấp; (iii) Nguồn khoáng sản thiết yếu mang tính chiến lược bền vững cho các đối tác và đồng minh.
Trên cơ sở đó, Canada thiết lập được danh sách 31 loại khoáng sản quan trọng, với 06 loại khoáng sản được xác định là “quan trọng ưu tiên” bởi tiềm năng khác biệt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Canada và sự cần thiết trong vai trò đầu vào của chuỗi cung ứng ưu tiên, gồm: Lithium, Graphite (than chì), Niken, Coban, đồng và đất hiếm. Đây sẽ là những khoáng sản có tính cơ hội để thúc đẩy sản xuất trong nước và sẽ là trọng tâm ban đầu của các khoản đầu tư liên bang. Bên cạnh 06 loại khoáng sản trên, một số loại khoáng sản khác như vanadi, gali, titan, scandi, magiê, telua, kẽm, niobi, gecmani, cùng với kali, urani và nhôm cũng được xác định là các khoáng sản giúp sẽ mở rộng hoạt động tinh chế, chế biến và sản xuất linh kiện trong nước, cũng như hỗ trợ đảm bảo chuỗi cung ứng cho các đồng minh. Danh sách 31 loại khoáng sản quan trọng sẽ được xem xét và liên tục điều chỉnh, cập nhật theo nhu cầu thực tiễn từ 3-5 năm/lần.
2) Nhóm chính sách thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào thăm dò, khai thác khoáng sản quan trọng tại Canada:
Là một quốc gia khai thác hàng đầu, Canada tiếp tục mở rộng các hoạt động thăm dò và khoa học địa chất để tìm ra các mỏ khoáng sản của tương lai. Tuy vậy, việc định vị các khoáng sản thiết yếu ở lãnh thổ rộng lớn như Canada là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi khả năng khoa học địa chất tiên tiến, bao gồm lập bản đồ địa chất, khảo sát địa vật lý, đánh giá và dữ liệu khoa học. Bước tiếp theo, để khai thác và xử lý các khoáng chất thiết yếu một cách bền vững đòi hỏi Canada cần tiếp tục phát triển các công nghệ tiên tiến và các hoạt động công nghiệp nhằm tối ưu hóa hiệu quả, khả năng cạnh tranh về chi phí và quản lý môi trường.
Chính vì thế, các giải pháp được Chính phủ Canada đang và sẽ tập trung thực hiện, gồm:
– Đầu tư vào mô hình địa chất và lập bản đồ tài nguyên tiềm năng đối với các nguồn khoáng sản thông thường và phi truyền thống; sử dụng các công nghệ tiên tiến ở giai đoạn thăm dò để xác định các khu vực có tiềm năng cao nhất, đồng thời giảm thiểu chi phí thăm dò và lượng khí thải carbon phát sinh… Điều này sẽ giúp xác định và nâng cao kiến thức chung về bức tranh tổng thể khoáng sản thiết yếu của Canada, đồng thời giảm thiểu tác động môi trường, ảnh hưởng cảnh quan thiên nhiên.
– Sử dụng các phòng thí nghiệm quốc gia và khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân để thúc đẩy đổi mới công nghệ trong lĩnh vực khoáng sản thiết yếu của Canada và các ngành công nghiệp liên quan, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu suất môi trường, cụ thể: (i) Phát triển một hệ thống bền vững các dự án khoáng sản ở Canada, thông qua một mạng lưới mạnh mẽ các quan hệ đối tác với các tỉnh và vùng lãnh thổ và tổ chức bản địa, học viện/viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm R&D, cũng như các bên liên quan trong ngành; (ii) Thương mại hóa trong các chuỗi giá trị ưu tiên đã xác định, dựa trên Chương trình nghiên cứu, phát triển và trình diễn khoáng sản thiết yếu 2021 hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai các công nghệ và quy trình bền vững; (iii) Tăng cường tài trợ đổi mới đối với các công nghệ xử lý và tinh chế cần thiết để chuyển đổi hiệu quả hiệu suất khoáng sản từ các nguồn sơ cấp và thứ cấp thành vật liệu trung gian, bao gồm cả chất thải sau tiêu dùng và chất thải khai thác.
– Đầu tư tài chính: Ngân sách tài chính năm 2022 đã cam kết dành nhiều ưu tiên đầu tư vào các khâu trong chuỗi giá trị khoáng sản thiết yếu, từ thăm dò đến chế biến và tinh chế các sản phẩm cao cấp hơn, cụ thể: (i) Đầu tư 79,2 triệu USD cho khoa học địa chất công cộng và thăm dò để xác định và đánh giá các mỏ khoáng sản; (ii) Áp dụng tín dụng thuế thăm dò khoáng sản thiết yếu 30% cho các khoáng sản thiết yếu có mục tiêu; (iii) Đầu tư 47,7 triệu USD cho các cơ sở, phòng thí nghiệm nghiên cứu thực hiện các hoạt động R&D khoáng sản thiết yếu ở thượng nguồn; (iv) Đầu tư 144,4 triệu USD cho hoạt động R&D khoáng sản thiết yếu và các công nghệ, vật liệu để hỗ trợ phát triển khoáng sản thiết yếu cho các phân khúc thượng nguồn và trung nguồn của chuỗi giá trị.
3) Nhóm chính sách tăng tốc phát triển các dự án thăm dò, khai thác mang tính đột phá, có trách nhiệm của Canada:
Hầu hết các dự án công nghiệp khoáng sản thiết yếu đều có đặc điểm yêu cầu khoản đầu tư trả trước lớn, rủi ro cao, tạo ra lợi nhuận chậm hơn. Hiện tại, một dự án khai thác khoáng sản tính từ khi đi vào hoạt động cho đến khi bắt đầu sản xuất có doanh thu có thể mất thời gian từ 5 đến 25 năm. Các dự án khai thác khoáng sản đều phải tuân theo các đánh giá quy định nghiêm ngặt của liên bang và tỉnh bang/lãnh thổ theo các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội của Canada.
Vì thế, Chính phủ liên bang nhận thấy việc hỗ trợ các nguồn tài chính ban đầu và các giải pháp hành chính có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực để đẩy nhanh quá trình phát triển các dự án chiến lược trong khai thác khoáng sản thiết yếu, chế biến, sản xuất và giảm thiểu chất thải. Trên cơ sở đó, các chính sách, giải pháp tiêu biểu, cụ thể được Chính phủ Canada triển khai, gồm:
– Đầu tư ngân sách năm 2022 thúc đẩy nhanh quá trình phát triển các dự án khai thác khoáng sản bao gồm: (i) Dành 1,5 tỷ USD hỗ trợ Quỹ Đổi mới Chiến lược Canada (SIF) thực hiện các dự án khoáng sản thiết yếu, ưu tiên các ứng dụng sản xuất, chế biến và tái chế tiên tiến; (ii) Dành 40,0 triệu USD hỗ trợ Chương trình Quy trình quản lý phía Bắc nhằm đảm nhận việc xem xét và cấp phép cho các dự án khoáng sản thiết yếu; (iii) Dành 21,5 triệu USD hỗ trợ Trung tâm xuất sắc về Khoáng sản thiết yếu (CMCE) phát triển các chính sách và chương trình liên bang về khoáng sản thiết yếu và hỗ trợ các nhà phát triển dự án điều hướng các quy trình quản lý và các biện pháp hỗ trợ của liên bang…
– Triển khai các giải pháp hành chính thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án khoáng sản thiết yếu từ đầu tư, phê duyệt đến sản xuất bền vững và bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở phối hợp và hài hòa tất cả các khâu từ chủ trương của Chính phủ, quá trình đánh giá tác động, tham vấn người dân bản địa, quá trình cấp phép… Chính phủ liên bang thực hiện các hành động sau: (i) Ủy quyền cho Trung tâm xuất sắc về Khoáng sản thiết yếu (CMCE) hỗ trợ các quy trình pháp lý và áp dụng các chính sách hỗ trợ của liên bang; (ii) Triệu tập các Ủy ban năng lượng và tài nguyên khu vực xây dựng cách tiếp cận liên bang, tỉnh bang và lãnh thổ đối với các quy trình cấp phép khai thác; (iii) Giao Bộ Tài nguyên thiên nhiên Canada chủ trì và phối hợp với Cơ quan đánh giá tác động của Canada và các đối tác liên bang khác rà soát khung pháp lý hiện hành của Canada để xác định các các cơ hội, khả năng thúc đẩy các dự án tăng trưởng sạch (bao gồm cả các mỏ khoáng sản thiết yếu), bảo vệ lợi ích của người dân Canada, bảo vệ môi trường và tôn trọng quyền của người bản địa; (iv) Khám phá các cơ hội hài hòa hóa quy định với các đối tác, nhất là Mỹ.
– Công nhận cơ chế đồng quản lý hiệu quả và toàn diện tại các khu vực/cộng đồng (nhất là miền Bắc Canada) nhằm thúc đẩy các dự án khoáng sản thiết yếu trong môi trường pháp lý riêng biệt của từng vùng; sự tham gia của người dân bản địa, bao gồm cả việc ra quyết định để đảm bảo rằng các dự án được tiến triển và các quyền của người dân bản địa được duy trì.
4) Nhóm chính sách thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững tại Canada:
Chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng là chìa khóa để Canada biến tiềm năng khoáng sản thiết yếu thành hiện thực và đảm bảo vị thế nhà cung cấp khoáng sản, nguyên liệu hàng đầu về công nghệ năng lượng sạch. Các mỏ khoáng sản thiết yếu thường nằm ở các vùng sâu vùng xa với địa hình hiểm trở và khả năng tiếp cận hạn chế về hạ tầng đường xá hoặc kết nối lưới điện. Tăng cường cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của Canada ở các vùng phía bắc và vùng sâu vùng xa là cơ hội chiến lược để hỗ trợ các mục tiêu tăng trưởng kinh tế rộng lớn hơn, chủ quyền Bắc cực và an ninh quốc gia của Canada cũng như hòa giải với người dân bản địa.
Để giải quyết vấn đề này, năm 2022 Canada đã cung cấp khoản hỗ trợ lên tới 1,5 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng cho các chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu, tập trung vào các khoản tiền gửi ưu tiên. Chính phủ liên bang đang và sẽ tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng bền vững để hỗ trợ phát triển công nghiệp, khai thác các mỏ khoáng sản ưu tiên, cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế.
Các giải pháp năng lượng tái tạo và thay thế là cơ hội chiến lược để thúc đẩy các nguồn tài nguyên khoáng sản thiết yếu của Canada, đồng thời cải thiện hiệu suất môi trường bằng cách cắt giảm lượng khí thải GHG. Ở những khu vực có tiềm năng khoáng sản thiết yếu cao, Chính phủ liên bang và tỉnh bang sẽ nhanh chóng tạo điều kiện hoàn thiện cơ sở hạ tầng năng lượng thông qua các khoản đầu tư vào các dự án năng lượng xanh quy mô nhỏ, tận dụng và mở rộng công suất mạng lưới năng lượng hiện có hoặc cho phép các công nghệ đổi mới khử cacbon trong các hoạt động phát triển khoáng sản.
5) Nhóm chính sách tăng cường hợp tác quốc tế đảm bảo vị thế lãnh đạo thế giới và duy trì an ninh toàn cầu về khoáng sản quan trọng của Canada:
Canada đang tìm cách xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu linh hoạt hơn đối với các khoáng sản thiết yếu bằng cách hợp tác với các đối tác quốc tế để điều chỉnh chính sách, nâng cao các tiêu chuẩn kinh tế, xã hội và quản trị toàn cầu (ESG), thúc đẩy nghiên cứu và phát triển chung, đồng thời khuyến khích các cơ hội đầu tư mới, trong số các ưu tiên khác. Điển hình như: (i) Kế hoạch hành động chung giữa Canada và Hoa Kỳ về khoáng sản thiết yếu đã được công bố vào ngày 09/01/2020 nhằm thúc đẩy lợi ích song phương trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng cho các khoáng sản thiết yếu cần thiết trong các lĩnh vực sản xuất chiến lược như công nghệ truyền thông, hàng không vũ trụ và quốc phòng cũng như công nghệ sạch. (ii) Quan hệ Đối tác Chiến lược Canada-EU về Nguyên liệu thô-với mục tiêu bao trùm là nâng cao giá trị, an ninh và tính bền vững của thương mại và đầu tư vào các khoáng sản và kim loại thiết yếu cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và kỹ thuật số. (iii) Nhóm Công tác ngành Canada-Nhật Bản về Khoáng sản thiết yếu, nhằm mục đích tạo thuận lợi cho sự tham gia thương mại giữa các doanh nghiệp Canada và Nhật Bản trong chuỗi giá trị khoáng sản thiết yếu. Đây là một phần của Đối thoại Chính sách Năng lượng Canada-Nhật Bản, giúp Nhật Bản đảm bảo chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu cần thiết cho cơ sở công nghiệp và quá trình chuyển đổi năng lượng xanh rộng lớn hơn. (iv) Các Cam kết đa phương khác như, G7/G20, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), Diễn đàn Liên chính phủ về Khai khoáng, Khoáng sản, Kim loại và Phát triển Bền vững (IGF), và Sáng kiến Quản trị Tài nguyên Năng lượng (ERGI).
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn rút ra từ kinh nghiệm thực tiễn của Canada
Là quốc gia có tiềm năng và lợi thế trong phát triển các loại kim loại thiết yếu, Canada đang sở hữu gần một nửa số công ty khai thác và thăm dò khoáng sản được niêm yết công khai trên toàn thế giới, hiện diện tại hơn 100 quốc gia và tổng vốn hóa thị trường là 520 tỷ USD. Canada hiện sản xuất 60 loại khoáng sản và kim loại tại 200 mỏ trên khắp đất nước. Trong các năm qua, để đẩy mạnh phát triển ngành khai thác, chế biến khoáng sản, Chính phủ Canada đã và đang xây dựng nhiều chính sách về quản lý, điều hành, cũng như tăng cường đầu tư đáng kể vào chuỗi giá trị khoáng sản quan trọng trên khắp đất nước, nhằm giúp Canada phát huy lợi thế tiềm năng về trữ lượng, công nghệ, đưa ngành khai thác, chế biến xuất khẩu các loại khoáng sản trở thành một trong những ngành công nghiệp tiềm năng và giữ vị thế dẫn đầu thế giới.
Đặc biệt, ngày 09/12/2022, Chính phủ Canada chính thức ban hành Chiến lược Khoáng sản Thiết yếu quốc gia, với tiêu đề “Chiến lược Khoáng sản thiết yếu, từ thăm dò đến tái chế, để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế kỹ thuật số và kinh tế xanh cho Canada và thế giới”. Nội dung Chiến lược khoáng sản thiết yếu nói riêng và cách tiếp cận của Chính phủ Canada đối với các khoáng sản thiết yếu nói chung được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học, yêu cầu thực tiễn, thông qua các cuộc tham vấn rộng rãi của công chúng và người dân bản địa, các cơ quản quản lý, cơ quan/tổ chức có liên quan… đảm bảo tính khoa học, thực tiễn và bao trùm. Chính phủ Canada đã cam kết sẽ liên tục làm việc chặt chẽ với các bên để đảm bảo chiến lược, cũng như các chính sách về khoáng sản thiết yếu được triển khai khoa học, bài bản, hiệu quả.
Trên lĩnh vực hợp tác quốc tế, Canada cũng rất thành công trong việc xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu linh hoạt hơn đối với các khoáng sản thiết yếu bằng cách hợp tác với các đối tác quốc tế, các quốc gia cùng trí hướng để hình thành chuỗi cung ứng tự chủ, bền vững và tránh phụ thuộc vào một/hoặc một số quốc gia, khu vực.
Như vậy có thể nói, các chủ trương, chính sách về khoáng sản quan trọng của Canada được ban hành trong thời gian qua, cho thấy quyết tâm chính trị rõ ràng nhất của Chính phủ Canada trong việc thực hiện các mục tiêu đảm bảo chuỗi cung ứng tự chủ, bền vững, đáng tin cậy, cũng như gián tiếp thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển các ngành công nghệ trong tương lai như công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo… Thời gian tới, khi mà các chính sách khoáng sản quan trọng của Canada được thực thi đầy đủ sẽ không chỉ tạo ra những thay đổi rõ nét trong ngành khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản quan trọng của Canada, mà còn góp phần thay đổi đáng kể thị trường khoáng sản thiết yếu của thế giới, cũng như tạo ra những tác động, ảnh hưởng đáng kể đến các mối quan hệ, hợp tác về chính trị, kinh tế và KH,CN&ĐMST giữa Canada với nhiều nước trên thế giới.
Bài học thực tiễn về các chủ trương, chính sách và những kết quả đã đạt được trong xây dựng, phát triển ngành khoáng sản thiết yếu của Canada có giá trị tham khảo lớn cho nhiều nước, đặc biệt đối với Việt Nam trong việc xây dựng ngành khai thác, chế biến, ứng dụng các loại khoáng sản quan trọng phục vụ phát triển kinh tế nói chung và các ngành KHKT trọng yếu, mới nổi của Việt Nam phù hợp với nhu cầu và xu hướng thế giới.
Nguồn: SATI