Ngày 21/11/2024, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hoàng Minh đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long nhằm trao đổi về một số nhiệm vụ chung. Trong khuôn khổ cuộc họp, hai bên đã thảo luận các vấn đề quan trọng, đặc biệt là việc phối hợp xây dựng Nghị định về đổi mới sáng tạo (ĐMST) nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao hiệu quả hoạt động KH,CN&ĐMST tại Việt Nam.
Báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Phát triển Công nghệ và ĐMST Nguyễn Mai Dương cho biết, nội dung chính của dự thảo Nghị định tập trung vào các vấn đề: làm rõ khái niệm và nội hàm của ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo (KNST); phân biệt ĐMST, KNST với các chủ thể khác; thống nhất thuật ngữ sử dụng trong lĩnh vực này, đồng thời thống nhất và đồng bộ hóa các chính sách hiện đang được quy định rải rác trong các văn bản pháp luật khác.
Trao đổi về nội dung quản lý nhà nước trong lĩnh vực ĐMST và KNST, Thứ trưởng Hoàng Minh nhấn mạnh: KH&CN là nền tảng cho sự phát triển của các quốc gia. Những quốc gia phát triển đều sở hữu nền KH&CN tiên tiến, trong khi những quốc gia chưa phát triển thì điều này còn nhiều hạn chế.
Theo Thứ trưởng, bản chất của ĐMST là đưa KH&CN vào đời sống, tạo ra giá trị. Do đó, trung tâm ĐMST phải là nơi dẫn đầu về công nghệ, liên tục phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới. Trung tâm này không chỉ phục vụ ngành Công an mà còn mang lại giá trị cho các bộ, ngành khác và toàn thể xã hội. Trong tương lai, trung tâm có thể phát triển thành cụm ĐMST, trở thành hình mẫu cho các lĩnh vực khác, qua đó nâng cao vị thế quốc gia trong lĩnh vực KH&CN.
Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, việc xây dựng Nghị định là cần thiết để tạo ra hành lang pháp lý cho việc thành lập và vận hành các trung tâm ĐMST, đồng thời đưa các sản phẩm mới ra xã hội, tạo ra giá trị. Với những tiêu chí được phân cấp rõ trong Nghị định về các trung tâm ĐMST, giúp các trung tâm có thể chủ động trong việc sử dụng nguồn tài chính và thu hút nhân lực chất lượng cao.
Báo cáo về một số tồn tại trong triển khai hoạt động ĐMST, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục C06 nhận định, hiện nay vẫn chưa có sự phân định rõ ràng giữa hoạt động ĐMST và hỗ trợ ĐMST. Dù đã có các văn bản quy phạm pháp luật quy định về ĐMST, nhưng thực tiễn triển khai còn nhiều vướng mắc và chưa đi vào cuộc sống như: thiếu sự phân định rõ giữa khu vực công và tư; mâu thuẫn trong các quy định về quản lý tài sản công; chưa có quy định cụ thể về vay vốn, ưu đãi thuế và đất đai, thiếu cơ chế thử nghiệm sản phẩm và dịch vụ mới, cũng như chưa có chính sách thu hút nguồn nhân lực.
Về dự thảo một số nội dung trong Nghị định hai bên phối hợp triển khai, Đại tá Vũ Văn Tấn nhấn mạnh, cần quy định rõ việc phân cấp các tổ chức ĐMST nhằm áp dụng cơ chế, chính sách phù hợp. Đồng thời tận dụng tối đa các cơ chế, chính sách ưu đãi hiện hành (như Luật Thuế, Luật KH&CN, Luật Đầu tư…).
Đồng quan điểm trên, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an cho rằng, Dự thảo Nghị định cần tập trung vào các giải pháp phát triển nguồn nhân lực để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng chức năng và nhiệm vụ của các trung tâm ĐMST. Thực tế hiện nay cho thấy, việc thu hút các nhà khoa học, chuyên gia và nguồn lực từ nước ngoài gặp nhiều khó khăn, do các đề tài khoa học chưa được chuyển hóa thành sản phẩm thực tiễn, dẫn đến sự thiếu hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu.
Theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN Phạm Thị Vân Anh, việc xây dựng Nghị định là bước cụ thể hoá chức năng quản lý nhà nước về ĐMST mà Chính phủ đã giao cho Bộ KH&CN. Nghị định hiện đang được xây dựng với sự vào cuộc chặt chẽ và hiệu quả của cơ quan C06 nhằm tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động của các trung tâm ĐMST, điều mà nhiều địa phương trên cả nước hiện nay đang dự định triển khai.