Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030

Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 (Chương trình) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành tại Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 01/02/2021

I. MỤC TIÊU

1. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, phát triển các sản phẩm quốc gia nhằm tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm quốc gia tại thị trường trong nước và quốc tế. Đến năm 2030, hình thành và phát triển tối thiểu 10 sản phẩm quốc gia mới.

2. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm quốc gia đã được phê duyệt trong Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.

II. SẢN PHẨM QUỐC GIA

(khoản 1 Mục II Điều 1 Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 01/02/2021)

Sản phẩm quốc gia được lựa chọn phát triển đáp ứng các yêu cầu sau:

– Sản xuất trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến, có khả năng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;

– Có quy mô lớn, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao, có khả năng thay thế hàng hóa nhập khẩu hoặc mang lại giá trị xuất khẩu, có tác động lan tỏa, tích cực đối với phát triển kinh tế – xã hội hoặc quốc phòng an ninh;

– Phát huy được các lợi thế về nhân lực, tài nguyên và điều kiện tự nhiên của Việt Nam, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của các ngành, lĩnh vực.

Sản phẩm quốc gia được lựa chọn tập trung vào các ngành, lĩnh vực cụ thể sau đây:

– Công nghiệp chế biến, chế tạo; năng lượng; công nghiệp thông tin, viễn thông, điện tử và công nghiệp hỗ trợ;

– Nông nghiệp chủ lực quốc gia;

– Quốc phòng và an ninh;

– Dược, y tế và bảo vệ môi trường;

– Sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, phục vụ hiệu quả cho quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Việt Nam;

– Các sản phẩm ưu tiên khác theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

III. CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI, HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM QUỐC GIA

(Khoản 3, 4, 5, 6 Mục II Điều 1 Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 01/02/2021)

Tư vấn, hỗ trợ xây dựng và phát triển các tổ chức, doanh nghiệp điển hình sản xuất sản phẩm quốc gia

a) Thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, dây chuyền công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm quốc gia và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm quốc gia tại thị trường trong và ngoài nước.

b) Xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm quốc gia; ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm quốc gia phát triển bền vững và đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

c) Tổ chức, doanh nghiệp phát triển công nghệ tạo ra và hoàn thiện các sản phẩm quốc gia được hưởng ưu đãi theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ và các ưu đãi khác theo quy định pháp luật.

d) Các tổ chức, doanh nghiệp tham gia sản xuất sản phẩm quốc gia được hưởng các ưu đãi về tín dụng, thuế, sử dụng đất theo quy định pháp luật.

đ) Ưu tiên doanh nghiệp, tổ chức sản xuất sản phẩm quốc gia tham gia các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý hoặc các bộ, cơ quan khác được giao quản lý.

Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hoạt động xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường sản phẩm quốc gia

a) Phát triển các dịch vụ tư vấn xây dựng chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, thương hiệu Việt Nam; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế.

b) Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm quốc gia được khuyến khích, ưu tiên mang sản phẩm quốc gia tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế, các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia.

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao trình độ của đội ngũ nhân lực nghiên cứu, nhân lực kỹ thuật, nhân lực quản trị doanh nghiệp đủ năng lực ứng dụng, làm chủ các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, kỹ năng quản lý thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trong quá trình triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình.

Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tham gia phát triển, sản xuất sản phẩm quốc gia trong việc nâng cấp, đầu tư mới một số trang thiết bị kỹ thuật phục vụ hoạt động đo kiểm, thử nghiệm sản xuất theo quy định pháp luật.

IV. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ THUỘC CHƯƠNG TRÌNH

Tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia thực hiện trình tự thủ tục quy định tại Điều 13, 14, 15, 16, 17, 18 Thông tư số 04/2024/TT-BKHCN ngày 12/06/2024 Quy định quản lý Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030.

Tài liệu tham khảo

Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 01/02/2021 Ban hành Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030;

Thông tư số 04/2024/TT-BKHCN ngày 12/06/2024 Quy định quản lý Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030.