TỔNG QUAN VỀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Từ Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, thuật ngữ Đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã được định nghĩa là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa (tại Khoản 16 Điều 3). Trong đó, ĐMST được coi là quá trình chuyển ý tưởng, tri thức thành kết quả cụ thể, mang lại giá trị gia tăng cho kinh tế – xã hội. ĐMST có thể dựa trên hoạt động nghiên cứu và phát triển (NC&PT) hoặc có thể từ kinh nghiệm, kiến thức được tạo ra trong thực tiễn sản xuất, đời sống của người dân nhưng không thể tách rời khoa học và công nghệ (KH&CN). Nói cách khác, ĐMST là sự nối dài, là bước tiếp của hoạt động KH&CN để đi vào thị trường. Chủ thể chính thực hiện ĐMST là doanh nghiệp/doanh nhân (trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, ĐMST cũng có thể được thực hiện bởi những chủ thể mới – được tạo ra bởi các thành tựu KH&CN như robot, trí tuệ nhân tạo…), tuy nhiên doanh nghiệp khó có thể tiến hành ĐMST một cách độc lập mà cần phải có tương tác với các doanh nghiệp, tổ chức khác cũng như cần môi trường thể chế phù hợp để hướng đến thành công. Tổng thể các thành tố và tương tác giữa các thành tố này hợp lại thành “hệ thống ĐMST”.

HỆ THỐNG ĐỔI MỚI SÁNG TẠO QUỐC GIA

(Nguồn: Goran Roos – 2017)

 

(1) Văn hóa và nhân tố con người: Tư duy sáng tạo, dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn để thay đổi; dám suy nghĩ khác biệt và chấp nhận sự khác biệt; chấp nhận rủi ro và bao dung với thất bại.

(2) Giáo dục và đào tạo: Hệ thống giáo dục phổ thông và đại học; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; phát triển tài năng khoa học từ trên ghế nhà trường.

(3) Khu vực nghiên cứu: Viện nghiên cứu, trường đại học.

(4) Hàng hóa công: Hàng hóa công trong lĩnh vực y dược, môi trường, văn hóa nghệ thuật, quốc phòng, không gian vũ trụ.

(5) Trung gian kết nối: Chuyển giao công nghệ, hợp tác nghiên cứu chung, vườn ươm công nghệ/doanh nghiệp, truyền bá công nghệ, hội thảo nâng cao nhận thức.

(6) Doanh nghiệp: Các cụm công nghiệp, công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nguồn (spinoffs)/khởi nghiệp (start-ups), doanh nghiệp dịch vụ KH&CN, nhà đầu tư.

7. Thị trường nội địa và quốc tế: Nhà tiêu thụ trực tiếp, khách hàng lớn (mua sắm công), khách hàng quốc tế, người tiêu dùng.

8. Liên kết quốc tế và hạ tầng: Mạng lưới liên kết R&D và doanh nghiệp, xuất/nhập khẩu, hạ tầng kỹ thuật và thông tin.

9. SHTT: Hệ thống bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm sáng tạo.

10. Đầu tư tài chính: Quỹ đầu tư mạo hiểm, tài trợ, cho vay.

11. Ưu đãi/tôn vinh: Các biện pháp động viên, khuyến khích/giải thưởng KH&CN.

12. Chính sách, môi trường thể chế: Hệ thống pháp luật, chính sách thuế và mua sắm công, các quỹ tài trợ cho hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo, chính sách phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo, hoạt động tiêu chuẩn hóa.

VAI TRÒ CỦA ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VỚI DOANH NGHIỆP

Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp tập trung vào các nội dung chủ yếu là đổi mới sản phẩm (bắt đầu từ nghiên cứu thiết kế sản phẩm mới), đổi mới quy trình (bao gồm quy trình sản xuất, quy trình quản lý dựa trên công nghệ), đổi mới công nghệ, đổi mới cách thức (phương thức) tiếp cận và phát triển thị trường.
Đối với các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ hàng ngày phải đối diện với những khó khăn, thách thức cho sự tồn tại lại ít có điều kiện tiếp cận đến các cơ chế, chính sách của nhà nước thì việc giúp họ hiểu được bản chất và cơ hội do ĐMST đem lại cho sự phát triển doanh nghiệp của họ là rất quan trọng trong đó đổi mới công nghệ có vai trò và tác động quan trọng đối với các nội dung và hoạt động đổi mới khác.

LOẠI HÌNH VÀ MỨC ĐỘ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Tất cả các loại hình đổi mới sáng tạo chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở áp dụng các công nghệ mới, công nghệ phù hợp và đặt ra yêu cầu cấp thiết là doanh nghiệp phải được tiếp cận, có đủ năng lực để hấp thụ và ứng dụng các công nghệ này.

CHÍNH SÁCH ĐỘ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Chính sách ĐMST báo gồm và liên quan đến:

  • Chính sách KH&CN, bao gồm cả các vấn đề phát triển hệ thống R&D, về sở hữu trí tuệ và thương mại hóa.
  • Chính sách giáo dục đào tạo, và lao động trong cung cấp tri thức, kỹ năng
    Chính sách tài chính.
  • Chính sách thương mại và đầu tư.
  • Chính sách phát triển hệ thống liên kết, dịch vụ trung gian.
  • Các chính sách khác về tổ chức, văn hóa, đối ngoại,…
  • Các chính sách thúc đẩy phát triển Sản phẩm mới và quản lý Mô hình kinh doanh mới (dựa trên KH,CN&ĐMST- phi truyền thống).

(Nguồn: Ngân hàng Thế giới – 2017)