ISO 56000 Bộ công cụ hữu ích cho quản lý hoạt động đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, đổi mới sáng tạo không còn là lựa chọn mà đã trở thành yếu tố sống còn để doanh nghiệp duy trì và phát triển. Một trong những chuẩn mực quốc tế giúp các tổ chức định hướng và quản lý hiệu quả quá trình đổi mới sáng tạo chính là bộ tiêu chuẩn ISO 56000. Đây được xem như một “bộ công cụ” toàn diện, hỗ trợ doanh nghiệp khai phá tiềm năng sáng tạo và tạo ra giá trị bền vững.

Từ năm 2019, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã ban hành một số tiêu chuẩn liên quan đến quản lý đổi mới sáng tạo, cung cấp cơ sở từ vựng, các khái niệm cơ bản, các nguyên tắc quản lý đổi mới sáng tạo và cách tiếp cận để thực hiện quản lý đổi mới sáng tạo có hệ thống. Bộ tiêu chuẩn này có thể được áp dụng cho tất cả các tổ chức, bất kể loại hình, khu vực, mức độ trưởng thành hoặc quy mô. Bộ tiêu chuẩn đặc biệt hữu ích đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp này thường thiếu bí quyết công nghệ, phương pháp quản trị và nguồn lực để thực hiện hoạt động đổi mới.

Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 – Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo

Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 tập hợp các quy trình vận hành tiêu chuẩn được thiết kế để cung cấp một khuôn khổ chung để thực hiện thành công, duy trì và cải tiến liên tục hệ thống quản lý đổi mới, đưa ra hướng dẫn chung đối với tất cả các loại hình đổi mới, như đổi mới sản phẩm, dịch vụ, quá trình, mô hình kinh doanh và phương pháp từ cải tiến nhỏ đến đổi mới triệt để, cũng như tất cả các phương pháp tiếp cận, như đổi mới nội bộ và đổi mới mở cho người dùng, thị trường, công nghệ, và các hoạt động đổi mới dựa trên thiết kế. ISO 56000 cho phép kết hợp với các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO khác nhau, như ISO 9000 về hệ thống quản lý chất lượng hay ISO 14000 về hệ thống quản lý môi trường, v.v.

Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 và các lợi ích đối với doanh nghiệp: 

Tiêu chuẩn ISO 56000:2020 Quản lý đổi mới sáng tạo – Nguyên tắc cơ bản và từ vựng

Tiêu chuẩn ISO 56000:2020 xác định từ vựng và thuật ngữ được sử dụng thống nhất trong quản lý đổi mới sáng tạo, đồng thời cũng giải thích các nguyên tắc cốt lõi về đổi mới sáng tạo. Tiêu chuẩn này giúp tổ chức, doanh nghiệp thiết lập một khuôn khổ chung, nhất quán và thống nhất để: Hiểu các khái niệm, nguyên tắc, thuật ngữ và định nghĩa quan trọng về quản lý đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp thiết lập, triển khai, duy trì và liên tục cải tiến hệ thống quản lý ĐMST; Tăng cường, tạo điều kiện nâng cao nhận thức, thúc đẩy giao tiếp về hoạt động đổi mới sáng tạo trong nội bộ và giữa các tổ chức, doanh nghiệp.

Tiêu chuẩn ISO 56000:2020 cung cấp các khái niệm cơ bản và nguyên tắc quản lý đổi mới sáng tạo; mô tả lý do tại sao các tổ chức, doanh nghiệp nên tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo; giới thiệu các khái niệm chính liên quan đến đổi mới sáng tạo; đưa ra các nguyên tắc, cơ sở để quản lý hiệu quả các hoạt động đổi mới sáng tạo và nền tảng của hệ thống quản lý ĐMST trong tổ chức, doanh nghiệp.

Tiêu chuẩn ISO 56002:2019 Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo

Tiêu chuẩn ISO 56002: 2019 cung cấp hướng dẫn về việc thiết lập, triển khai, bảo trì và cải tiến liên tục hệ thống quản lý ĐMST để áp dụng trong tất cả các tổ chức, doanh nghiệp. Hướng dẫn chung này sẽ được áp dụng cho tất cả các loại tổ chức, doanh nghiệp với các loại hình đổi mới sáng tạo.Ví dụ: sản phẩm, dịch vụ, quá trình, mô hình kinh doanh và tổ chức…Hệ thống quản lý ĐMST hướng dẫn tổ chức, doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa) xác định tầm nhìn, chiến lược, chính sách và mục tiêu đổi mới sáng tạo của tổ chức, doanh nghiệp, đồng thời thiết lập các quá trình hỗ trợ cần thiết để đạt được kết quả mong muốn.

Những lợi ích tiềm năng của việc triển khai hệ thống quản lý ĐMST theo IS0 56002:2019 gồm:Tăng trưởng, tăng doanh thu, lợi nhuận và khả năng cạnh tranh; Giảm chi phí và chất thải, tăng năng suất và hiệu quả sử dụng các nguồn lực; Tăng sự hài lòng của người tiêu dùng, khách hàng, công dân và các lợi ích xã hội; Thực hiện đầu tư, đổi mới sáng tạo bền vững; Tăng cường phân cấp, trao quyền trong doanh nghiệp; Tăng khả năng thu hút tài trợ, đối tácvà cộng tác viên; Nâng cao uy tín và giá trị của doanh nghiệp; Tăng cường năng lực tuân thủ các quy định và các yêu cầu.

IS0 56002 dựa trên các nguyên tắc quản lý đổi mới sáng tạo. Nguyên tắc quản lý đổi mới sáng tạo bao gồm các quan điểm cơ bản; lý do tại sao nguyên tắc này quan trọng đối với tổ chức, doanh nghiệp; lợi ích liên quan đến nguyên tắc và cuối cùng là kế hoạch hành động của tổ chức, doanh nghiệp để cải thiện hiệu suất khi áp dụng các nguyên tắc này.

Tiêu chuẩn ISO 56003:2019 – Quản lý đổi mới sáng tạo – Công cụ và phương pháp đối với quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo

Tiêu chuẩn ISO 56003:2019 cung cấp các khuyến nghị để tham gia vào quan hệ đối tác với các tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài để hiện thực hóa sự đổi mới sáng tạo. Tiêu chuẩn ISO 56003:2019 mô tả khuôn khổ hợp tác đổi mới sáng tạo và các công cụ tương ứng để giúp tổ chức, doanh nghiệp xem xét một số vấn đề sau: Quyết định về việc tham gia hợp tác đổi mới sáng tạo; Xác định, đánh giá và chọn đối tác; Nhận thức về giá trị và thách thức của quan hệ đối tác; Quản lý các mối quan hệ đối tác.

Quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo được phát triển để tạo ra giá trị cho mỗi đối tác khi hợp tác, phối hợp cùng nhau. Lợi ích của quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo bao gồm: Cập nhật kiến thức, kỹ năng, công nghệ và các tài sản trí tuệ khác không có sẵn trong tổ chức, doanh nghiệp; Tăng cường sử dụng các tài nguyên, cơ sở hạ tầng (như phòng thí nghiệm và thiết bị thử nghiệm…) để phát triển hoặc cải tiến các sản phẩm và dịch vụ mới.

Tiêu chuẩn ISO/TR 56004:2019 Đánh giá quản lý đổi mới sáng tạo

Tiêu chuẩn ISO/TR 56004:2019 cung cấp hướng dẫn về lý do tại sao triển khai đánh giá quản lý đổi mới sáng tạo (Innovation Management Assessment, IMA); những kết quả mong đợi từ IMA; kế hoạch hành động, cách thức triển khai thực hiện theo kết quả của IMA.

Tiêu chuẩn ISO/TR 56004:2019 nhằm giúp tổ chức, doanh nghiệp trong việc hiểu được: Giá trị và lợi ích của việc thực hiện IMA.

Kết luận

Trong thời đại mà sự thay đổi diễn ra nhanh chóng, việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế như ISO 56000 là một bước đi chiến lược để doanh nghiệp duy trì tính cạnh tranh và tạo ra giá trị mới. Bộ tiêu chuẩn này không chỉ giúp tối ưu hóa các quy trình đổi mới mà còn thúc đẩy văn hóa sáng tạo, khuyến khích sự hợp tác và khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ.

Doanh nghiệp nào nắm bắt và áp dụng ISO 56000 sớm chắc chắn sẽ có lợi thế trong việc đổi mới sáng tạo, mở rộng thị trường và phát triển bền vững. Đây thực sự là một “bộ công cụ” mà bất kỳ tổ chức nào cũng nên cân nhắc triển khai.

 

Nguồn: SATI tổng hợp.