Đổi mới sáng tạo là chìa khóa dẫn đến thành công trong kỷ nguyên cạnh tranh khốc liệt. Trong số các chiến lược đổi mới, Co-Innovation (đồng đổi mới sáng tạo) và Open-Innovation (đổi mới sáng tạo mở) nổi bật với cách tiếp cận khác biệt, phù hợp với từng bối cảnh doanh nghiệp. Việc hiểu rõ đặc điểm của hai mô hình này giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa tiềm năng sáng tạo và phát triển bền vững.
1. Khái niệm và phạm vi ứng dụng
Co-Innovation (Đồng đổi mới sáng tạo): Đây là quá trình hợp tác sâu giữa một số đối tác chính để đồng phát triển và thương mại hóa các giải pháp hoặc sản phẩm. Ví dụ tiêu biểu là mối quan hệ hợp tác giữa Apple và Foxconn để sản xuất iPhone, Apple tập trung vào thiết kế và trải nghiệm người dùng cũng như phân phối sản phẩm, còn Foxconn chịu trách nhiệm cải tiến quy trình sản xuất và cung ứng [1].
Open-Innovation (Đổi mới sáng tạo mở): Ngược lại, đổi mới sáng tạo mở tận dụng ý tưởng và tài nguyên từ nhiều nguồn bên ngoài. Điển hình là Procter & Gamble (P&G) với sáng kiến “Connect + Develop”, P&G đã thu thập các ý tưởng từ các nhà khoa học, Startup và người tiêu dùng để phát triển hơn 50% sản phẩm mới, giảm đáng kể thời gian và chi phí nghiên cứu [2].
2. Đối tượng tham gia và cách thức hợp tác
Co-Innovation: Mô hình này thường giới hạn số lượng đối tác tham gia, tập trung vào sự hợp tác lâu dài và chiến lược. Ví dụ, Toyota hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp linh kiện để phát triển công nghệ xe hơi hybrid. Đây là một dự án dài hạn đòi hỏi sự tin tưởng và chia sẻ thông tin, trách nhiệm, quyền lợi sâu giữa các bên [1].
Open-Innovation: Mô hình này mời gọi sự tham gia từ cộng đồng rộng lớn, bao gồm các cá nhân độc lập, tổ chức nghiên cứu và startup. Một minh chứng là Tesla, với việc công khai bằng sáng chế của mình để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp xe ôtô chạy bằng động cơ điện đã thu hút cả các đối thủ cạnh tranh của mình cùng tham gia [2].
3. Sự khác biệt giữa mô hình Co-Innovation và mô hình Open-Innovation
Ưu điểm
Co-Innovation: Đảm bảo tính chuyên sâu và chất lượng cao nhờ sự tham gia của các đối tác chiến lược, xây dựng mối quan hệ lâu dài và đáng tin cậy; phù hợp với các dự án có mục tiêu, đối tượng cụ thể và yêu cầu sự đầu tư dài hạn. Ví dụ: IKEA sử dụng đồng đổi mới sáng tạo với khách hàng thông qua khảo sát trực tiếp tại nhà để tối ưu hóa thiết kế sản phẩm; Boeing hợp tác với nhiều nhà cung cấp để phát triển máy bay 787 Dreamliner, tạo ra một sản phẩm tiên phong với chi phí tối ưu [2].
Open-Innovation: Tăng tốc quá trình đổi mới nhờ khai thác ý tưởng từ nhiều nguồn khác nhau, tiết kiệm chi phí nội bộ và giảm thời gian phát triển sản phẩm; phù hợp với các ngành công nghiệp thay đổi nhanh hoặc cần đa dạng hóa ý tưởng. Trong lĩnh vực công nghệ. Ví dụ: Unilever sử dụng open-innovation để tìm kiếm các giải pháp bền vững trong ngành hàng tiêu dùng, thu hút hàng trăm nhà cung cấp trên toàn cầu; Google tổ chức các hackathons để thu thập ý tưởng từ các nhà phát triển độc lập trên toàn thế giới, từ đó thúc đẩy sự đổi mới liên tục. [1][2]
Nhược điểm
Co-Innovation: Dễ dẫn đến sự phụ thuộc vào một số ít đối tác, làm giảm khả năng khám phá ý tưởng mới. Yêu cầu sự đồng bộ cao giữa các bên, làm tăng độ phức tạp trong quản lý.
Open-Innovation: Có nguy cơ rò rỉ thông tin hoặc mất quyền kiểm soát tài sản trí tuệ. Khó khăn trong việc tích hợp các ý tưởng từ bên ngoài vào quy trình nội bộ. Mất thời gian và công sức để tìm kiếm, xác định năng lực tham gia của đối tác.
Bảng so sánh sự khác biệt giữa mô hình Co-Innovation và mô hình Open-Innovation [3]
4. Lựa chọn chiến lược phù hợp
Theo báo cáo năm 2023, 80% công ty áp dụng Open-Innovation ghi nhận tốc độ phát triển sản phẩm nhanh hơn 1,5 lần so với phương pháp truyền thống [1]. Trong khi đó, các dự án Co-innovation có tỷ lệ thành công lên tới 75% khi được quản lý tốt, đặc biệt trong các ngành như ô tô và hàng không [2].
Cả hai mô hình Co-Innovation và Open-Innovation đều hướng đến mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chúng lại có cách tiếp cận khác biệt rõ rệt. Co-Innovation mang tính hợp tác sâu sắc và tập trung hơn, phù hợp với các mối quan hệ chiến lược lâu dài. Ngược lại, Open-Innovation đề cao sự linh hoạt và khai thác tri thức rộng rãi từ bên ngoài, giúp doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi với thay đổi của thị trường.
Doanh nghiệp cần lựa chọn mô hình phù hợp với mục tiêu, nguồn lực và chiến lược của mình để đạt được hiệu quả cao nhất.
– Co-innovation phù hợp khi cần phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ đáp ứng nhu cầu cụ thể và xây dựng quan hệ lâu dài với các bên liên quan.
– Open-innovation lý tưởng trong bối cảnh cần đa dạng hóa ý tưởng, tiết kiệm chi phí nghiên cứu, hoặc tiếp cận công nghệ tiên tiến nhanh chóng.
Cả hai mô hình đều mang lại giá trị khác biệt, và kết hợp cả hai mô hình một cách linh hoạt sẽ giúp doanh nghiệp khai thác toàn diện tiềm năng sáng tạo, nâng cao vị thế cạnh tranh và tăng trưởng bền vững.
Tài liệu tham khảo
[1] https://www.soprasteria.com/newsroom/press-releases/details/the-open-innovation-report-2023 [2] https://www.klcommunications.com/co-creation-vs-open-innovation/ [3] https://theintactone.com/2021/09/19/co-creation-and-open-innovation/#google_vignette
Nguồn: SATI tổng hợp.