Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 (Chương trình) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021
I. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH
Nghiên cứu, làm chủ, phát triển công nghệ cao, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ; hình thành, phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này.
Mục tiêu cụ thể
a) Phát triển và làm chủ được 20 công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, ứng dụng có hiệu quả vào hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao của doanh nghiệp.
b) Gia tăng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu trong công nghiệp chế biến chế tạo, tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao.
c) Xây dựng và phát triển khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; xây dựng và phát triển khoảng 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi cả nước.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Hoàn thiện thể chế: Rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thúc đẩy nghiên cứu, làm chủ và phát triển công nghệ cao; ứng dụng hiệu quả công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường; sản xuất sản phẩm, dịch vụ, hình thành doanh nghiệp và phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
2. Hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ sử dụng kết quả nghiên cứu, thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ
a) Hỗ trợ kinh phí cho các dự án nghiên cứu công nghệ cao đạt trình độ công nghệ tiên tiến trong khu vực; có ý nghĩa quyết định đến việc tạo ra các sản phẩm chủ lực của các ngành kinh tế; tạo ra các dịch vụ công ích công nghệ cao.
b) Hỗ trợ kinh phí trong các hoạt động chuyển giao quyền sở hữu, sử dụng kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, đầu tư máy móc thiết bị, sản phẩm mẫu, bản vẽ thiết kế, phần mềm, đào tạo, thuê chuyên gia tư vấn, sáng chế, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, kiểm định kết quả đối với các dự án hợp tác nghiên cứu công nghệ cao giữa các doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ.
c) Hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
d) Hỗ trợ kinh phí triển khai các hoạt động ứng dụng kết quả của các dự án nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm và ứng dụng công nghệ cao.
3. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho ứng dụng, sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao
a) Hỗ trợ đầu tư trực tiếp các dự án ứng dụng, sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao được ưu tiên đầu tư và khuyến khích phát triển.
b) Tập trung hỗ trợ triển khai các hoạt động, nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng, mở rộng số lượng các chuyên gia, đơn vị tư vấn trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ cao.
4. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ cao
Tạo điều kiện, hỗ trợ các tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động hợp tác quốc tế phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ cao, đặc biệt là với quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức nước ngoài có trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến, với các nội dung sau đây:
a) Tham gia tổ chức và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu khoa học song phương và đa phương.
b) Thúc đẩy việc hợp tác, phát triển các cơ sở, trung tâm nghiên cứu công nghệ cao; các dự án hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, khai thác các sáng chế, quyền sở hữu công nghiệp giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài về công nghệ cao.
c) Trao đổi chuyên gia, người làm công tác nghiên cứu của tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức nghiên cứu, đào tạo, doanh nghiệp công nghệ cao nước ngoài. Tham gia các hội, hiệp hội quốc tế và tổ chức khác về công nghệ cao. Mời các chuyên gia công nghệ cao nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đến Việt Nam tham gia tư vấn, nghiên cứu, giảng dạy, thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình.
5. Nâng cao nhận thức xã hội về vai trò và tác động của công nghệ cao
a) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức xã hội, tổ chức, doanh nghiệp về các kết quả, thành tựu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giới thiệu phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ cao tại các cơ sở giáo dục đào tạo.
b) Tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn về công nghệ cao với sự tham dự của các bộ, ngành, cơ quan và các chuyên gia,các nhà khoa học, sinh viên trong và ngoài nước.
III. TIÊU CHÍ DỰ ÁN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THUỘC CHƯƠNG TRÌNH CÔNG NGHỆ CAO
(Điều 6 Thông tư số 25/2023/TT-BKHCN ngày 29/12/2023 quy định Quản lý Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030)
1. Công nghệ được nghiên cứu phát triển trong dự án khoa học và công nghệ (sau đây viết tắt là dự án KH&CN) phải thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển được ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và phải thuộc một trong những trường hợp sau: là công nghệ được nghiên cứu phát triển, ứng dụng để tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu; được nghiên cứu để thay thế công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài.
2. Mục tiêu, nội dung của dự án KH&CN phải gắn kết hữu cơ, đồng bộ, được tiến hành trong một thời gian nhất định và được triển khai dưới hình thức đề tài KH&CN, dự án sản xuất thử nghiệm (sau đây viết tắt là nhiệm vụ thuộc dự án KH&CN).
3. Kết quả của dự án KH&CN phải đáp ứng một trong các điều kiện sau: bảo đảm cho việc phát triển công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực trong từng giai đoạn đáp ứng nhu cầu thực tiễn, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; có ý nghĩa quyết định đến việc tạo ra sản phẩm chủ lực của các ngành kinh tế; tạo ra dịch vụ công nghệ cao công ích, hình thành doanh nghiệp công nghệ cao trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học.
4. Tổ chức chủ trì và Chủ nhiệm dự án KH&CN phải đáp ứng yêu cầu sau:
a) Tổ chức chủ trì có tư cách pháp nhân, có đủ năng lực về cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực, khả năng triển khai, phối hợp nghiên cứu và ứng dụng kết quả dự án KH&CN vào sản xuất.
Ưu tiên tổ chức chủ trì đang triển khai dự án đầu tư thuộc lĩnh vực có liên quan đến dự án khoa học và công nghệ đề xuất đã được cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc đã được triển khai trong khu công nghệ cao (đối với dự án đầu tư cơ sở nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao), khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (đối với dự án đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm nông nghiệp, cung ứng dịch vụ công nghệ cao);
b) Chủ nhiệm dự án KH&CN là lãnh đạo của Tổ chức chủ trì dự án KH&CN, có đủ thời gian và khả năng tổ chức thực hiện dự án KH&CN. Trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định.
5. Tính đến thời điểm đăng ký tham gia thực hiện dự án KH&CN, tổ chức chủ trì dự án KH&CN phải có ít nhất 01 bài báo khoa học hoặc 01 đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích thuộc lĩnh vực của dự án phù hợp với thực tiễn, có khả năng ứng dụng trực tiếp vào sản xuất hoặc 01 đề tài, dự án trong lĩnh vực liên quan từ cấp Bộ (hoặc tương đương) trở lên đã được nghiệm thu hoặc chuyển giao công nghệ.
6. Hệ thống quản lý chất lượng của dự án KH&CN phải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định về quản lý chất lượng sản phẩm.
7. Tuân thủ và áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành.
8. Khuyến khích, ưu tiên dự án KH&CN có sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.
IV. TIÊU CHÍ DỰ ÁN SẢN XUẤT THỬ NGHIỆM THUỘC CHƯƠNG TRÌNH CÔNG NGHỆ CAO
(Điều 7 Thông tư số 25/2023/TT-BKHCN ngày 29/12/2023 quy định Quản lý Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030)
Dự án sản xuất thử nghiệm phải đáp ứng tiêu chí sau:
1. Công nghệ được nghiên cứu phát triển trong dự án sản xuất thử nghiệm (sau đây viết tắt là dự án) phải thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển được ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và phải thuộc một trong những trường hợp sau: là công nghệ được nghiên cứu phát triển nhằm tạo ra sản phẩm có tính ứng dụng cao; nghiên cứu thích nghi, làm chủ công nghệ cao nhập khẩu, công nghệ cao được chuyển giao; nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, giải mã công nghệ; được nghiên cứu để tạo ra công nghệ cao.
2. Kết quả của dự án phải đáp ứng một trong các điều kiện sau: bảo đảm cho việc phát triển công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực trong từng giai đoạn đáp ứng nhu cầu thực tiễn; có tính khả thi trong ứng dụng hoặc phát triển sản phẩm ở quy mô sản xuất hàng loạt, cung ứng dịch vụ công nghệ cao, hình thành doanh nghiệp công nghệ cao trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học; tạo ra sản phẩm công nghệ cao, hình thành liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ.
3. Thành viên chính tham gia thực hiện dự án phải có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên.
4. Tính đến thời điểm đăng ký tham gia thực hiện dự án, tổ chức chủ trì dự án phải có ít nhất 01 bài báo khoa học hoặc 01 đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích thuộc lĩnh vực của dự án phù hợp với thực tiễn, có khả năng ứng dụng trực tiếp vào sản xuất hoặc 01 đề tài, dự án trong lĩnh vực liên quan từ cấp Bộ (hoặc tương đương) trở lên đã được nghiệm thu hoặc chuyển giao công nghệ.
5. Tuân thủ và áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành.
6. Khuyến khích, ưu tiên dự án có sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.
V. ĐỔI TƯỢNG THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH
Các tổ chức, cá nhân.
VI. TRÌNH TỰ THỦ TỤC THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH
Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình công nghệ cao và nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn nhiệm vụ quy định tại Điều 4, Điều 6 và Điều 7 của Thông tư số 25/2023/TT-BKHCN ngày 29/12/2023, các tổ chức, cá nhân đề xuất nhiệm vụ tham gia Chương trình thành phần thuộc Chương trình công nghệ cao gửi Phiếu đề xuất nhiệm vụ về Bộ chủ trì Chương trình thành phần theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 25/2023/TT-BKHCN ngày 29/12/2023.
Trình tự thủ tục thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình được quy định tại Điều 8, 9, 10, 11, 12 và 13 của Thông tư số 25/2023/TT-BKHCN ngày 29/12/2023.
VII. CƠ QUAN QUẢN LÝ CHƯƠNG TRÌNH
– Chương trình được đặt dưới sự chỉ đạo và điều phối của Ban chỉ đạo các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.
– Ban chủ nhiệm chương trình thành phần do Bộ trưởng các bộ liên quan quyết định thành lập, giúp tư vấn triển khai các hoạt động của chương trình thành phần.
Tài liệu tham khảo
- Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021 ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030
- Thông tư số 25/2023/TT-BKHCN ngày 29/12/2023 quy định Quản lý Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030